Vào lúc 17h ngày 17/3, đoạn video clip dài 5 phút 45 giây được đưa lên mạng xã hội nội dung ghi lại hình ảnh CSGT huyện Đông Sơn (Thanh Hóa), đang kiểm tra và xử phạt một người đi xe máy vi phạm luật giao thông.
Trong quá trình lập biên bản, tổ viên ghi biên bản có mở sách luật ra xem. Địa điểm đoạn video clip trên được nickname chú thích khá rõ ràng: “Khi qua Quốc lộ 47 thuộc địa phận huyện Đông Sơn - Thanh Hóa, CSGT phạt chúng tôi vì chở hàng quá khổ, nhưng khi chúng tôi thắc mắc hỏi thì họ không giải thích được, rất bức xúc khi những người xử lý vi phạm lại có nghiệp vụ kém như thế”.
Cảnh sát giao thông cầm sách luật (Ảnh cắt ra từ clip)
Cũng trong đoạn clip, khi người thanh niên có hỏi vi phạm về lỗi gì? thuộc thông tư bao nhiêu? điều bao nhiêu? thì người mặc sắc phục CSGT đã lấy sách luật ra tìm lỗi giải thích. 
Về vụ việc này, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó trưởng Công an huyện Đông Sơn cho biết: “Sau khi biết được tình hình sự việc đang diễn ra trên mạng xã hội Facebook, chúng tôi đã chỉ đạo tổ báo cáo lại sự việc. Theo báo cáo và kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ thì việc lập biên bản và xử phạt người điều khiển xe máy như trong video là hoàn toàn đúng luật. 
Tôi rất bức xúc việc cá nhân nào đó đã quay đoạn video rồi đăng lên mạng xã hội để nhiều người có cách hiểu sai vấn đề, có những lời lẽ không thiện chí, làm ảnh hưởng đến hình ảnh CSGT Đông Sơn”.
Chiếc xe của anh Tiến bị phạt vì chở cồng kềng
Cũng theo ông Quyền thì việc mở sách ra xem luật của đồng chí CSGT này cũng là điều bình thường, vì đôi khi giải thích bằng miệng thì họ không tin, nên phải lấy sách để làm căn cứ. Công an huyện Đông Sơn cũng đã báo cáo công an tỉnh Thanh Hóa tiến hành điều tra xác minh người đã quay và đưa clip lên mạng xã hội.
Nhiều người tự hỏi việc truy tìm tung tích người đưa clip ‘CSGT cầm sách luật’ liệu có đúng và tại sao phải làm như vậy? Và làm như thế thì sẽ còn ai dám đứng ra tố cáo sai phạm.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh thì việc người dân đưa clip lên công luận với nội dung đúng sự thật thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cũng như không bị xử phạt vi phạm hành chính, trừ trường hợp có liên quan đến bí mật nhà nước.
Nếu vu không, xuyên tạc sẽ bị phạt theo qui định
Tuy nhiên, nếu trong nội dung clip cùng những lời bình luận đi kèm có sự xuyên tạc, vu cáo…thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân được quy định tại Điều 258 của Bộ luật Hình sự, cụ thể như sau:
Điều 258. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân
1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
Hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng theo quy định tại Khoản 3 – Điều 7 của Nghị định 73/2010/NĐ – CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Riêng đối với lực lượng cảnh sát thì việc xác minh hành vi, hậu quả, chủ thể của việc tung clip lên mạng cũng phù hợp với quy định của pháp luật.
Theo NCĐT